Dầu cá và bột cá: Nguồn cung giảm - Giá tăng (13-11-2020)

Với sự tàn phá của đại dịch COVID-19 đối với nền kinh tế toàn cầu, việc kiểm dịch và phong tỏa ở Peru đã được kéo dài đến cuối tháng 4/2020. Tuy nhiên, việc thiếu nhân công và thiếu nguồn nguyên liệu đầu vào có thể làm ngưng trệ toàn bộ hoạt động sản xuất bột cá và dầu cá ở Peru.
Dầu cá và bột cá: Nguồn cung giảm - Giá tăng

Sản xuất

Sản lượng bột cá và dầu cá toàn cầu trong năm 2019 không đáng kể. Vụ đánh bắt cá cơm đầu tiên của năm 2019 ở khu vực trung tâm phía Bắc của Peru đã kết thúc với tổng lượng hàng cập cảng thấp (khoảng 2 triệu tấn), bằng 96% so với hạn ngạch 2,1 triệu tấn. Vào tháng 11 năm 2019, chính phủ Peru đã đặt TAC cho vụ cá cơm thứ hai là 2,79 triệu tấn (mức này cao hơn 38% so với vụ cá cơm thứ hai của năm trước). Tuy nhiên, sự hiện diện nhiều cá con đã khiến chính phủ Peru quyết định ngừng sớm vụ khai thác năm 2019 vào tháng 1 năm 2020, bình thường vụ khai thác sẽ kéo dài đến tháng 3 / tháng 4. Điều này dẫn tới chỉ 35% tổng hạn ngạch được thực hiện.

Sản lượng bột cá toàn cầu năm 2019 giảm 27% so với năm 2018, trong khi sản lượng dầu cá toàn cầu giảm 24% ở các nước sản xuất chính. Sản lượng bột cá của Peru năm 2019 đạt 796.384 tấn, giảm 43,3% so với năm 2018. Sự sụt giảm này chủ yếu là do hạn ngạch cá cơm thấp hơn trong vụ đầu tiên và đóng cửa sớm ở vụ thứ hai.

Tại châu Âu, số lượng cá nổi nhỏ xuất hiện trong năm 2019 giảm một chút, do đó tổng sản lượng bột cá của Đan Mạch và Na Uy giảm khoảng 7%.

Thương mại

Năm 2019, xuất khẩu bột cá và các sản phẩm dầu cá của Peru đạt tổng cộng 1,06 triệu tấn, vốn đã chững lại kể từ năm 2018. Hơn 70% xuất khẩu của Peru là dành cho thị trường Trung Quốc. Các mặt hàng xuất khẩu còn lại của Peru chủ yếu được tiêu thụ ở Việt Nam, Ecuador và Nhật Bản. Tại khu vực Bắc Âu thì Đan Mạch và Iceland đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu tiêu thụ dầu cá và bột cá của khu vực Bắc Âu.

Giá cả

Kể từ cuối năm 2019, giá đã có xu hướng tăng do mùa đánh bắt của Peru được dự đoán là đóng cửa sớm. Xu hướng tăng giá vẫn tiếp tục khi ngành chăn nuôi Trung Quốc bắt đầu phục hồi sau đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19.

Dự báo

Nhìn chung, năm 2020 sẽ chứng kiến ​​nhiều ngành công nghiệp thủy sản phải chịu những áp lực lớn, bột cá và dầu cá cũng không ngoại lệ. Cho đến nay, hạn ngạch về tổng sản lượng được phép đánh bắt (the Total Allowable Catch - TAC) năm 2020 trong mùa đánh bắt đầu tiên của Peru vẫn chưa được công bố, sẽ khó có thể dự đoán về tác động của điều này đến thị trường. Mùa đánh bắt ảm đạm của Peru có thể sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung bột cá trên toàn cầu. Ngoài ra, đại dịch sẽ kìm hãm ngành đánh bắt và làm giảm sản lượng đến mức độ nào thì hiện tại thế giới vẫn chưa đánh giá.

Nhìn từ góc độ nhu cầu tiêu thụ, với việc các nhà hàng đóng cửa và việc kinh doanh bị cấm hoàn toàn ở nhiều quốc gia, nhu cầu đối với cá nuôi thấp hơn và do đó nhu cầu về thức ăn chăn nuôi thủy sản cũng giảm theo. Nếu nhìn theo hướng tích cực thì COVID-19 hiện đang được kiểm soát tốt hơn ở Trung Quốc. Với nhu cầu lớn của thị trường Trung Quốc đối với bột cá, khi ngành chăn nuôi lợn và nuôi trồng thủy sản trở lại bình thường, thương mại bột cá nhất định sẽ phục hồi. Trong ngắn hạn, giá bột cá và dầu cá dự kiến ​​sẽ tăng do nguồn cung nguyên liệu khan hiếm cùng với sự gián đoạn giao thông toàn cầu do COVID-19 gây ra.

Ngọc Thúy (theo FAO)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác